Lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tim mạch…
Phát biểu sáng 11/8, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện nay, dù điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi năm sẽ có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, gần 165.000 ca mắc ung thư mới… Hàng năm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh, lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch… Trong đó, dinh dưỡng và vận động được ví là hai loại “vaccine” tự nhiên vô cùng có giá trị đối với sức khỏe con người.
“Cuộc “cách mạng dinh dưỡng” là một trong những nhân tố góp phần giúp người Nhật cải thiện tầm vóc vượt bậc trong giai đoạn 1960 đến 1985. Nhưng nước bạn còn thực hiện một cuộc “cách mạng thể dục thể thao” trong giai đoạn này và giữ tinh thần đó cả về sau. Hiện tại, người Nhật là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, hoạt động tập luyện tuy không trực tiếp cải thiện chiều cao, nhưng lại góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng… Không chỉ đối với học sinh, mỗi người dân cũng được vận động tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe và nâng cao tinh thần.
“Khỏe và đẹp không chỉ mang ý nghĩa với mỗi cá nhân mà còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế. Khỏe và đẹp không chỉ nói về những số đo đạt chuẩn, mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm thay đổi bản thân mình, khao khát vận động mỗi ngày”, Thứ trưởng nói.
Thực tế, hiện nay người Việt vẫn còn lười vận động. Đáng chú ý, có tới 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, việc vận động giúp hệ tim mạch khỏe hơn, giúp cân bằng năng lượng ăn vào tiêu hao, giúp cơ thể khỏe đẹp hơn, nâng cao khối cơ, sức bền. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ ngủ ngon giấc hơn, làm việc hiệu quả hơn, khả năng miễn dịch tốt hơn.
“Không phải cứ đến phòng tập mới là tập luyện, chúng ta có thể tận dụng mọi khoảng thời gian trong sinh hoạt hằng ngày. Với học sinh, khi không học có thể ra ngoài vận động thay vì xem tivi, chơi máy tính, nếu nhà gần trường có thể đạp xe đạp, đi bộ đi học. Với người lớn, làm việc nhà, leo cầu thang, đi bộ, đạp xe đi chợ… cũng là cách vận động đơn giản”, PGS Lâm nói.
Ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống cũng cho biết thêm tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và sự bất hợp lý trong vận động thể chất cũng là những yếu tố làm suy yếu sức khỏe tổng thể, khiến cơ thể chúng ta dễ “đầu hàng” trước sự tấn công của dịch bệnh. Vì thế, giữ cho bản thân khỏe mạnh mỗi ngày luôn là điều quan trọng với bất cứ ai, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Vì thế, nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học cho người dân, xây dựng tiền đề tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, góp phần nâng cao vóc dáng, trí tuệ…, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn“.
(Theo Dân Trí)