Người chơi được chọn từ vòng 2 TÔI KHỎE ĐẸP HƠN sẽ được mời đến trụ sở Báo Sức khỏe & Đời sống để Hội đồng Giám khảo đo BMI, WHR.
Cuộc thi TÔI KHOẺ ĐẸP HƠN gồm 3 vòng, mỗi vòng kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ 11/8/2022, dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (trừ các trường hợp đặc biệt cần lưu ý về sức khỏe).
Người tham gia thực hiện thử thách thay đổi tích cực về thể chất cho bản thân trong 3 tháng dựa trên những kiến thức về dinh dưỡng đã tiếp thu.
Người tham gia cuộc thi sẽ phải trả lời các câu hỏi về dinh dưỡng, phương pháp luyện tập thể dục thể thao, tương tác với các chuyên gia và chia sẻ các bài tập đã áp dụng để đạt được sự thay đổi tích cực cho cơ thể.
Cơ cấu chấm điểm để chọn những người chiến thắng gồm: Trắc nghiệm kiến thức, Sự thay đổi về các chỉ số cơ thể như BMI và WHR; Khả năng chia sẻ truyền cảm hứng…
Theo quy định về thể lệ của cuộc thi, người chơi được chọn từ vòng 2 sẽ được mời đến trụ sở Báo Sức khỏe & Đời sống để Ban giám khảo đo BMI, WHR. Trong những yêu cầu này có chỉ số WHR khiến nhiều người băn khoăn và còn chưa hiểu. Bài viết này sẽ giúp thí sinh tham gia cuộc thi cũng như bạn đọc hiểu rõ hơn về chỉ số WHR.
WHR một trong các phép đo mà bác sĩ sử dụng kết hợp với tính toán chỉ số khối cơ thể BMI để ước lượng nguy cơ dinh dưỡng cũng như bệnh tật của bạn.
WHR Không giống như chỉ số khối cơ thể BMI. Nếu như BMI được tính toán dựa trên tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao (chiều cao chia cho bình phương cân nặng) thì WHR được tính là tỷ lệ chu vi vòng eo chia cho chu vi vòng hông của bạn.
Chỉ số WHR được qui ước để cảnh báo những nguy cơ sức khỏe nhất định. Với cùng một chỉ số WHR giống nhau, kết quả nhận định sẽ khác nhau ở mỗi người. Những người có thân hình dạng quả táo (tập trung nhiều mỡ hơn ở khu vực trung tâm cơ thể vùng bụng và mông) có nguy cơ cao bị bệnh tim, tiểu đường type 2 và các bệnh chuyển hóa hơn so với những người thân hình quả lê (tập trung nhiều mỡ hơn ở hông và đùi).
Ngay cả khi chỉ số BMI của bạn bình thường, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng có thể tăng lên nếu chỉ số WHR vượt quá mức khuyến nghị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định tỉ số WHR khỏe mạnh là: < 0,9 ở nam giới và < 0,85 ở nữ giới.
Ở cả nam và nữ, WHR từ 1.0 trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn sức khỏe khác có liên quan đến thừa cân.
Tính WHR như thế nào?
Bạn có thể tự đo chỉ số WHR hoặc bác sĩ sẽ kiểm tra cho bạn khi thăm khám. Dưới đây là một vài hướng dẫn để bạn có thể tự tính chỉ số WHR của bản thân.
Đứng thẳng và thở ra. Sử dụng thước dây để đo chu vi vòng eo của bạn. Vòng eo được tính là chu vi của phần eo vào nhỏ nhất trên khu vực bụng, nằm ngay trên rốn.
Vòng hông được tính bằng cách đo chu vi vùng hông có kích thước lớn nhất.
Lấy vòng eo chia cho vòng hông bạn sẽ tính được chỉ số WHR của bản thân mình.
Giới tính | Rất tốt | Tốt | Trung bình | Nguy cơ |
Nam | <0,85 | 0,85 – 0,89 | 0,90 – 0,95 | >= 0,96 |
Nữ | <0,75 | 0,75 – 0,79 | 0,80 – 0,86 | >= 0,86 |
WHR là một phép đo dễ dàng, không tốn kém và có giá trị để đánh giá nguy cơ sức khỏe dựa trên kích thước các vòng cơ thể. WHR cũng có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
Tuy nhiên,bạn cũng rất dễ mắc sai sót khi tự thực hiện đo chu vi vòng eo & vòng hông. Những sai sót thường thấy là sai về vị trí đặt thước, tư thế không chuẩn, không thở ra khi đo vòng eo…
Ngoài ra, WHR không được khuyến nghị đo cho trẻ em, những người có chiều cao < 150cm và những người có chỉ số BMI > 35.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng chỉ số WHR rất hữu ích khi kết hợp cùng với BMI vì nó có thể giúp bác sĩ có thể ước lượng về tình trạng cân nặng và sức khỏe của bạn. Bạn cũng có thể thường xuyên theo dõi chỉ số này để kiểm soát quá trình giảm cân và theo dõi tiến triển một số bệnh lý khác.
Những ứng viên của Cuộc thi TÔI KHỎE ĐẸP HƠN hãy đăng ký tham gia ngay tại https://toikhoedephon.vn/ và bắt đầu một chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, trước hết là vì bản thân mình khỏe đẹp hơn, sau đó mới vì cuộc đua tới ngôi vị chiến thắng.